Như tất cả mọi người đều biết, quốc ca nước Việt Nam hiện tại là lời 1 của bài hát Tiến Quân Ca của nhạc sỹ Văn Cao sáng tác vào thời kỳ phong trào Việt Minh trỗi dậy và được chính thức sử dụng cho nước Việt Nam độc lập, thống nhất vào năm 1976. Trước đó, ngày 13 tháng 8 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt Tiến quân ca làm quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 17 tháng 8 năm 1945, trong cuộc mít tinh của nhân dân Hà Nội trước Nhà hát lớn, bài Tiến quân ca đã được cất lên. Cũng tại quảng trường Nhà hát lớn, ngày 19 tháng 8 năm 1945, trong cuộc mít tinh lớn, dàn đồng ca của Đội Thiếu niên Tiền phong đã hát bài Tiến quân ca chào lá cờ đỏ sao vàng.
Vậy quốc ca của các quốc gia khác trên thế giới thì sao?Telegraphđã đưa ra một vài thông tin vui về quốc ca nhân dịp Olympic 2012 như sau :
God Save the King (sau này được chuyển thành God Save the Queen) là quốc ca của khối cộng đồng chung các nước thuộc địa của Anh và hoàng gia Anh. God Save the King là tác phẩm của Henry Carey, một nhạc sỹ nổi tiếng vào nửa đầu thế kỷ XVIII nhưng cũng thường được coi là tác phẩm của Handel, Purcell hay Lully (một nhạc sỹ người Pháp).
Có rất ít quốc ca của các nước trên thế giới hiện nay được sáng tác bởi các nhạc sỹ có tên tuổi (ví dụ như quốc ca Việt Nam được sáng tác bởi nhạc sỹ Văn Cao, của Vatican được sáng tác bởi Gounod, của Ấn Độ và Bangladesh được sáng tác bởi nhà thơ nổi tiếng Rabindranath Tagore và của Đức được sáng tác bởi Haydn)
Quốc ca của nước Đức được viết trên nền nhạc của bản tứ tấu cho đàn dây cung Đô-trưởng của Haydn đã bị cấm trước năm 1945 bởi một câu nói nổi tiếng “Deutschland über alles”, ám chỉ một cách ngây thơ về sự thống nhất của nước Đức nhưng thường lại bị hiểu nhầm thành tham vọng thống trị thế giới đã từng diễn ra trong lịch sử của quốc gia này.
Hy Lạp là quốc gia có quốc ca dài nhất thế giới với 158 khổ thơ tứ tuyệt (stanzas) được viết bởi Dionysios Solomos. Tuy vậy, phiên bản rút ngắn lại của quốc ca Hy Lạp lại ngắn hơn quốc ca của Uruguay (dài tới hơn 5 phút).
Colombia, Senegal, Bỉ và Ecuador sử dụng quốc ca được viết bởi chính Tổng thống hay Thủ tướng của các nước này.
Quốc ca của Nhật Bản được coi là quốc ca tồn tại lâu nhất trên thế giới khi được viết từ thế kỷ thứ IX.
Một vài quốc ca của các nước trong vùng Trung Đông chỉ có nhạc chứ không có lời. Qatar đã từng sử dụng quốc ca với phần lời chỉ kéo dài 32 giây nhưng nay cũng đã mở rộng ra thêm.
Quốc ca của Congo có đoạn“Và nếu như chúng ta phải chết/Điều đó thật sự có ý nghĩa hay không?” (“And if we have to die/ Does it really matter?”)Lời mở đầu của quốc ca Ukraine thì có ngụ ý là cho tới giờ dân tộc Ukraine vẫn còn tồn tại vững vàng : “Ukraine is not yet dead.”
Người viết ra quốc ca của Costa Rica, Manuel Maria Gutierrez đã bị tống vào tù năm 1853 cho tới khi ông này viết được bài quốc ca thích hợp cho Costa Rica mới được thả ra.
Cùng với các quốc gia Trung Đông, Tây Ban Nha là một trong số hiếm hoi các quốc gia có quốc ca không lời. Một cuộc thi viết lời đã được tổ chức vào năm 2007 nhưng sau đó đã bị hủy bỏ do không được nhiều người hào hứng tham gia.